Nỗ lực phát huy tiềm năng và lợi thế vùng đất miền tây, những năm qua Nghệ An đã quy hoạch phát triển tổng đàn bò sữa đến năm 2022 ước đạt là 79 nghìn con, sản lượng sữa khoảng 285.712 tấn với mục đích đưa Nghệ An trở thành trung tâm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của cả nước.
Hệ thống giám sát chế biến thức ăn tinh cho đàn bò sữa
Với các chính sách hỗ trợ tích cực, chỉ chưa đầy 10 năm, Nghệ An đã trở thành trung tâm nuôi bò sữa lớn nhất nhì cả nước nhờ sự có mặt của các doanh nghiệp lớn ngành sữa, trong đó đáng kể nhất là Công ty CP thực phẩm sữa TH True milk (TH). Từ năm 2009, TH đã đầu tư trang trại nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao (CNC) quy mô công nghiệp lớn nhất châu Á tại huyện Nghĩa Đàn. Tới nay, đàn bò sữa tại đây đã lên tới hơn 50 nghìn con và trang trại còn phát triển quy mô lớn hơn trong tương lai theo quy hoạch tới năm 2030. Trang trại có quy mô bao gồm ba cụm: Cụm trang trại số 1: Trang trại bò sữa số 1,2 3 thuộc xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụm trang trại số 2: Trang trại bò sữa số 4.5.6 trại Organic và Tân Đáo thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụm trang trại số 3: Trang trại bò sữa số 7.8 thuộc xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Công tác lai tạo lựa chọn bò sữa giống tốt được đặc biệt quan tâm. Đàn bò được nhập từ New Zealand, Mỹ, Úc, Canada có phả hệ rõ ràng, đảm bảo cho cho ra loại sữa có chất lượng hàng đầu. Trong nhiều năm liền, các chuyên gia I-xra-en cùng cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã thu thập, phân tích điều kiện thời tiết, khí hậu tại vùng đất Nghệ An để đưa ra phương án nhập giống bò cao sản Niu Di-lân, với các tính năng di truyền vượt trội về năng suất, chất lượng sữa và thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Nghệ An.
Đàn bò sữa tại Công ty CP thực phẩm sữa TH True milk
Tuy nhiên chất lượng sản phẩm sữa còn phụ thuộc vào sức khỏe của bò và công tác bảo quản sữa sau khi vắt. Ở các trại nuôi hàng nghìn con bò không thể giám sát bằng cảm quan, mắt thường đối với sức khỏe từng con. Nhờ ứng dụng CNC, thông qua việc gắn chíp điện tử vào từng con bò kết nối với máy tính đã có thể kiểm soát sức khỏe cùng các hoạt động của bò. Đồng thời, hệ thống vắt sữa tự động, gắn các thiết bị hiện đại, biết “từ chối” vắt sữa đối với những con bò có biểu hiện bị bệnh viêm vú trước đó bốn ngày. Sữa lại giữ được tươi, sạch, tinh khiết và hàm lượng dinh dưỡng nguyên vẹn nhờ hệ thống bảo ôn, khép kín, giữ cho quá trình vắt sữa, vận chuyển, bảo quản không để không khí lọt vào...
Việc ứng dụng CNC vào chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tập trung triển khai tại huyện Nghĩa Đàn đã góp phần đổi thay nhanh chóng vùng đất miền tây xứ Nghệ đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân địa phương. Nay có dịp đi dọc đường Hồ Chí Minh mới thấy vùng đất đỏ ba-dan Nghĩa Đàn thay da đổi thịt với những đồng cỏ giống Mỹ hàng trăm héc-ta; ngô, cao lương đỏ bạt ngàn; hoa hướng dương vàng rộm. Những dàn xe, máy thu hoạch liên hoàn hiện đại chẳng khác gì ở Mỹ hay châu Âu. Ấn tượng nhất là khi cánh đồng hướng dương thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn trở thành điểm du lịch thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch mỗi dịp nở hoa. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đi kèm ngày càng phát triển nhanh. Theo chia sẻ một hộ nông dân tại xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn): Từ khi gia đình trồng ngô bán cho trang trại nuôi bò, một năm ba vụ, sau khi trừ các loại chi phí mỗi héc-ta thu về hơn 100 triệu đồng. Trước đây, rơm, phụ phẩm từ cây lúa, nông dân thường đốt sau thu hoạch thì nay cũng được doanh nghiệp nuôi bò thu mua với giá cao.
Theo quy hoạch của Nghệ An tại đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030 kế hoạch phát triển tổng đàn bò sữa là 95 nghìn con, triển vọng cho ngành chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An là hết sức rõ ràng. Tuy nhiên, để Nghệ An trở thành trung tâm bò sữa tập trung lớn nhất cả nước đòi hỏi Nghệ An và các doanh nghiệp cũng cần có chính sách tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hệ thống nuôi bò sữa CNC, chẳng hạn như hỗ trợ vay vốn hay đào tạo kỹ thuật.
Kim Ngân
Ý kiến bạn đọc